I. TỔNG QUAN
– Ngành logistics bao gồm các hoạt động lưu trữ và vận chuyển hàng hóa từ nhà cung ứng (có thể là nhà sản xuất hoặc phân phối) tới tay người tiêu dùng.
+ Các hoạt động trong ngành logistics bao gồm: lưu trữ hàng hóa, quản lý tồn kho, dịch vụ kho bãi, luân chuyển hàng hóa, dịch vụ hậu cần …
+ Các dịch vụ cung ứng của ngành logistics có sự khác biệt, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng. Dịch vụ logistics cho khách hàng doanh nghiệp (B2B) có cấu trúc phức tạp hơn dịch vụ cho khách hàng tiêu dùng thông thường (B2C), do những đòi hỏi về quy mô đơn hàng, số lượng mặt hàng, lưu trữ và kho bãi của logistics B2B lớn hơn B2C.
– Do đặc thù bao hàm một phạm vi rộng lớn các hoạt động kho vận, ngành logistics được chia thành nhiều mảng khác nhau:
+ Mảng dịch vụ kho bãi: bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê kho hàng, bến bãi, địa điểm lưu trữ, cung cấp thiết bị và nhà xưởng lưu trữ. Dịch vụ lưu trữ có thể được cung cấp bởi đơn vị sở hữu hạ tầng (cảng biển, sân bay, khu công nghiệp), hoặc các đơn vị độc lập.
+ Mảng dịch vụ vận tải: bao gồm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải trên tất cả các loại hình giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường biển, đường hàng không).
+ Mảng giải pháp tích hợp: bao gồm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành logistics, bao gồm: phần mềm quản lý tồn kho cho các đơn vị kho bãi, định tuyến và tracking phương tiện cho các đơn vị dịch vụ vận tải.
+ Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics có thể chỉ tham gia vào một khâu nhất định trong một mảng, hoặc có thể cung cấp giải pháp tổng thể về logistics và vận chuyển.
– Ngành logistics Thế giới đang tiến hành chuyển đổi từ mức 3PL (logistics từng phần sử dụng dịch vụ từ các bên thứ 3) sang mô hình 4PL (sử dụng dịch vụ logistics tổng thể từ 1 đơn vị, hướng tới quản trị toàn bộ chuỗi cung ứng)
– Với đặc thù là hoạt động phục vụ cho ngành sản xuất và tiêu dùng, ngành logistics chịu sự chi phối và ảnh hưởng lớn bởi tình hình phát triển kinh tế tại từng quốc gia, đặc biệt là hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng tại từng khu vực. BXH năng lực logistics của World Bank phản ảnh rõ đặc điểm này khi các quốc gia đứng đầu như Đức, Hà Lan, Nhật Bản đều có nền sản xuất công nghiệp phát triển, đi đôi với hạ tầng logistics hàng đầu Thế giới.
– Đặc điểm phát triển kinh tế chú trọng sản xuất công nghiệp nhẹ và xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi yêu cầu về hạ tầng logistics:
+ Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3,000 km cùng nhiều cảng nước sâu phân bố khắp chiều dài lãnh thổ là điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng logistics liên khu và nội vùng. Tuy nhiên, trước đây những hạn chế về cơ chế và chính sách, cũng như nền tảng công nghệ còn yếu kém của các doanh nghiệp nội (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) và hạ tầng giao thông còn yếu khiến ngành logistics tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ hoạt động ở mô hình 2PL (vận tải và kho bãi), chậm hơn khá nhiều so với Thế giới.
+ Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong việc nâng cao hiệu quả logistics, thể hiện qua việc Việt Nam đã thăng hạng lên thứ 39/160 trong BXH năng lực logistics của WB, đứng thứ 3 ĐNA sau Thái Lan & Singapore.
+ Làn sóng FDI đổ vào sản xuất cũng kéo theo dòng vốn đầu tư lớn đổ vào ngành logistics, điển hình có thể kể tới CJ (Hàn Quốc) mua lại mảng logistics của Gemadept.
– Thị trường giao nhận của Việt Nam hiện đang phân mảnh, với 2 cái tên dẫn đầu là VNPost (Bưu điện Việt Nam), và Viettel Post. Các start-up mới trong lĩnh vực giao hàng tham gia cũng đã góp phần thay đổi cuộc chơi trong ngành
II. PHÂN TÍCH CẠNH TRANH – MÔ HÌNH 5 ÁP LỰC CẠNH TRANH
-Thách thức từ đối thủ mới gia nhập ngành (7/10): Rào cản ra nhập ngành không quá lớn, chủ yếu đến từ vốn đầu tư (đối với mảng vận tải và kho bãi), hoặc chất lượng nhân lực (với mảng giải pháp tích hợp). Đặc biệt, nền tảng công nghệ từ khối giải pháp tích hợp tạo ra các đối thủ mới ra nhập tiềm tàng, đặc biệt cho khối vận tải.
– Áp lực từ nhà cung ứng (2/10): Sản phẩm cung ứng cho khối kho bãi và vận tải không có sự khác biệt (phương tiện và mặt bằng nhà xưởng) dẫn tới vai trò của nhà cung ứng không lớn. Khối giải pháp có áp lực lớn hơn, chủ yếu đến từ nền tảng phần mềm.
– Áp lực từ khách hàng (7/10): Chi phí chuyển đổi thấp trong khi sự khác biệt về dịch vụ không có nhiều dẫn tới việc chuyển đổi cho khách hàng giữa các nhà cung cấp dịch vụ là tương đối dễ dàng, đặc biệt đối với các nền tảng 2PL và 3PL. Nền tảng 4PL với việc giải pháp logistics được tùy biến sâu (customized on demand) sẽ giảm bớt áp lực từ khách hàng.
– Đe dọa từ sản phẩm thay thế (1/10): Ngành logistics đóng vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia, không có sản phẩm có thể thay thế
– Cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong ngành (8/10): Mức độ cạnh tranh rất khốc liệt do sự khác biệt giữa các doanh nghiệp trong ngành chỉ nằm ở chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp nội còn phải cạnh tranh với các tên tuổi lớn toàn cầu như FedEx, DHL, UPS.
NGẮN HẠN KHẢ QUAN: DÒNG VỐN FDI ĐỔ VÀO VN SẼ LÀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG NGÀNH LOGISTICS:
– Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo theo sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước xung quanh, trong đó Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nhất từ bất ổn này:+ Quý 1/2019, Việt Nam đón nhận lượng FDI kỉ lục với 10.8 tỉ USD, tăng 86% so với cùng kỳ. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cũng tăng đột biến 40% sau 4 tháng đầu năm. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần, khi những căng thẳng thương mại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
+ Sự tăng trưởng của kinh tế và xuất khẩu tạo ra nhu cầu rất lớn cho dịch vụ vận tải và logistics. Các doanh nghiệp sản xuất lớn tất yếu sẽ cần tới các giải pháp cung cấp logistics đồng bộ và hệ thống hóa cao hơn, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đòi hỏi các dịch vụ logistics đặc thù như lương thực, thủy sản, thiết bị điện tử.
+ Sự đầu tư mạnh mẽ của FDI sẽ không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Các dự án đầu tư của các đối tác nước ngoài vào ngành logistics sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics. Nguồn đầu tư tài chính và kinh nghiệm vận hành và mạng lưới đối tác phát triển các giải pháp logistics của các tên tuổi lớn như CJ, Samsung, Warbug Pincus sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ngành logistics Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng.DÀI HẠN: KHẢ QUAN: DƯ ĐỊA TĂNG TRƯỞNG TRONG NGÀNH CÒN LỚN
– Sự phát triển của kinh tế khu vực Châu Á – TBD sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam:
+ Kinh tế khu vực ASEAN và Châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 5.3-5.5% (theo IMF), tiếp tục là khu vực kinh tế tăng trưởng tốt nhất trên Thế giới. Đặc biệt, tăng trưởng xuất nhập khẩu của ASEAN sẽ đạt mức trung bình 7-8% tới năm 2024, gấp đôi trung bình Châu Á. Kinh tế Việt Nam được các tổ chức lớn dự báo sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng hơn khu vực (trên 6%). Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế sẽ là đầu tàu dẫn dắt ngành logistics Việt Nam phát triển trong dài hạn.
+ Thương mại điện tử bùng nổ kéo theo nhu cầu khổng lồ về dịch vụ kho vận và giao nhận B2C. Giá trị ngành TMĐT tại Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng CAGR 42% tới năm 2020, đạt 10 tỉ USD. Tương đương với sự tăng trưởng này, quy mô dịch vụ giao nhận có thể đạt tới 472 triệu USD vào năm 2020.
– Sự phát triển của sản xuất công nghiệp sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp logistics nội địa phải tự hoàn thiện mình, thoát khỏi mô hình 2PL lạc hậu, tiến tới 3PL và 4PL, nhằm phục vụ tối đa nhu cầu logistics của các khách hàng, tránh việc mất thị phần vào tay các đối thủ ngoại tiềm tàng.
– Các doanh nghiệp trong mảng dịch vụ cảng có biên LN tốt hơn các DN trong mảng kho vận. Chỉ số đòn bảy tài chính và khả năng thanh toán của các DN cảng cũng cao vượt trội so với nhóm còn lại (đặc biệt ở các DN chỉ hoạt động trên 1 địa bàn như DVP, PHP, DXP).
– VTP có tỉ suất ROE vượt trội so với tất cả các DN khác (46%), tuy nhiên hệ số đòn bảy tài chính của cao hơn rất nhiều.