Nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” được áp dụng vào nhiều trường hợp trong kinh doanh và trong đời sống. Nói chung, những cơ hội kinh doanh mà bạn nghĩ là “hời” sẽ chỉ tồn tại trong tích tắc, bởi lẽ nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” này là thứ làm nó tan biến.
Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những “bí ẩn” lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,…
Chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách “Nhà tự nhiên kinh tế” của tác giả Robert H. Frank.
Câu chuyện là có hai nhà kinh tế học đang cùng đi ăn trưa. Đột nhiên họ thấy trên đường có một tờ 500.000 đồng. Khi người trẻ hơn cúi xuống định nhặt thì người già hơn bảo: “Đó không phải tờ 500.000 đồng thật đâu”
“Tại sao không?” – anh trẻ hơn hỏi.
Nhà kinh tế học già hơn trả lời một cách đầy kinh nghiệm: “Vì nếu đó là tờ 500.000 đồng thật thì đã có người nhặt nó từ lâu rồi”.
Thật ra, đó rõ ràng đó một là tờ 500.000 đồng thật ngay trước mắt và có lẽ là nhà kinh tế học già hơn đang bị mắc bệnh nghề nghiệp hơi quá mức. Bởi lẽ suy luận của vị này, dù không đúng, nhưng là một lời nhắc nhở hàm chứa một chân lý quan trọng mà con người thường bỏ quên trong đời sống cũng như khi làm kinh doanh.
Nguyên tắc đó mang tên “không có đồ ăn sẵn trên bàn”, với ý nói rằng trên đời hiếm khi có thứ gì có giá trị mà lại bỏ không vô chủ trong một thời gian dài cả.
Hiểu nôm na, nguyên tắc này có cách phiên dịch gần với đời sống hơn là trong hiện tại, tương lai cũng như trong quá khứ, cách kiếm tiền chân chính duy nhất là nhờ vào sự kết hợp của tài năng, tiết kiệm, sự làm việc chăm chỉ và sự may mắn, chứ không bao giờ là việc “ăn đồ ăn sẵn có trên bàn” cả.
Tuy nhiên, dường như trên thế giới vẫn có đến hàng triệu người tin rằng họ có thể làm giàu một cách nhanh chóng, mà không cần biết đến nguyên tắc trên.
Ví dụ, tại Mỹ, vào thập niên 90, người ta đã từng chứng kiến nhiều người phất lên chỉ bằng cách thay vì mua cổ phiếu của các “đại gia” cũ như General Electric hay Procter & Gamble, họ chọn mua cổ phiếu của Oracle, Cisco System và những công ty công nghệ cao khác. Thời điểm đó, chính điều này đã khiến các chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch NASDAQ tăng vọt.
Chẳng đâu xa, ngay tại Việt Nam vào thời kỳ chứng khoán lên ngôi năm 2008, người ta cũng chứng kiến có lúc mà chứng khoán trở thành câu chuyện kiếm tiền thường trực của mấy bà bán rau, bán cá ngoài chợ.
Những nhà đầu tư nghiệp dư này chỉ mới biết đến chứng khoán vài ngày hay vài tuần trước đó như là một nơi được người ta nói là “cứ bỏ tiền vào là ra tiền”. Họ nghe đến mã nào “hot” thì đầu tư vào mã đó, không biết đến thực sự những mã nào là có giá trị trong dài hạn.
Đây là những ví dụ điển hình của việc chống lại nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn”. Kết quả như thế nào thì cũng đã rõ: thị trường chứng khoán tại Mỹ những năm 90 chứng kiến chỉ số NASDAQ sụt giảm trầm trọng, còn thị trường chứng khoán Việt Nam vỡ trận không đầy 1 năm sau đó và khiến biết bao nhiêu người điêu đứng.
Nói chung, nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” nhắc nhở chúng ta nên thận trọng với những cơ hội đầu tư quá hấp dẫn tới mức phi thực tế. Chính nguyên tắc này dự báo sự sụt giảm trầm trọng của chỉ số chứng khoán NASDAQ Mỹ, sự sụt giảm mạnh chỉ số FTSE của Anh vào tháng 3/2000 hay sự đi xuống của chứng khoán Việt Nam năm 2008.
Nếu bạn vẫn còn chưa tin thì nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” này còn được giải thích bằng nhiều ví dụ kinh tế nữa, chứ không chỉ là đóng khung trong những cảm nhận ở đời sống.
Hãy nói về giá vàng như ví dụ. Thực tế thì giá vàng bán tại Hà Nội và Sài Gòn là như nhau hoặc chỉ dao động trong một biên độ rất hẹp.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận ra trên thực tế không đúng như vậy, thì xem ra đã có thể đang có “đồ ăn sẵn trên bàn” đó. Ví dụ, giả sử 1 lượng vàng được bán với giá 35 triệu/lượng tại Hà Nội và 40 triệu/lượng tại Sài Gòn. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể mua lấy 1 lượng vàng ở Hà Nội rồi bán lại ở Sài Gòn để hưởng ngay phần chênh lệch trị giá 5 triệu. Trong kinh doanh, người ta gọi đây là kinh doanh dựa vào chênh lệch giá (arbitrage).
Đúng là trong kinh doanh, làm giàu theo kiểu arbitrage này có tồn tại nhưng thường là chỉ tồn tại trong một tích tắc mà thôi. Chính nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” là thứ đã “giết chết” những cơ hội kinh doanh kiểu arbitrage như thế này.
Quay về trường hợp buôn vàng ở Hà Nội và Sài Gòn nói trên, tạm chấp nhận sự chênh lệch giá vàng khá cao giữa hai khu vực như vậy (dù rằng ngoài đời sống điều này hầu như không xảy ra) thì nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” sẽ cân bằng thị trường lại bằng cách làm cho chi phí để bạn mang vàng từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh lên đến đúng 5 triệu, nghĩa là bạn sẽ không lãi đồng nào cả.
Khi bạn nhận ra cơ hội kinh doanh lời như vậy thì những kẻ lọc lõi khác trên thị trường cũng thấy điều đó. Đó là chưa kể bạn bè, anh chị, đồng nghiệp bạn cũng thấy điều đó và vì khoản lợi giá 5 triệu kia, ai ai trong xã hội cũng mang vàng từ Hà Nội và Sài Gòn để bán.
Các công ty làm dịch vụ vận chuyển từ Hà Nội và Sài Gòn do phải đáp ứng nhu cầu của quá nhiều người như vậy nên dần dà đã phải tăng phí dịch vụ lên. Mức phí này tăng dần đến con số 5 triệu đồng thì chẳng ai còn muốn mang vàng từ Hà Nội vào Sài Gòn bán nữa, vì nếu có bán được thì cũng chỉ hòa với tiền vận chuyển: Họ cuối cùng thì chẳng lãi được đồng nào cả!
Rút cục thì giá vàng tại Hà Nội và Sài Gòn, tính cả phí vận chuyển sẽ ngang hàng nhau, tạo ra một quy luật trong kinh tế gọi là “quy luật một giá”.
Trường hợp mang vàng từ Hà Nội vào Sài Gòn bán kia chỉ một ví dụ cho nguyên tắc “không có đồ ăn sẵn trên bàn” trong kinh doanh mà thôi. Một cách tổng quát, nguyên tắc này cho bạn biết rằng nếu không thực sự tạo ra những khác biệt trong thị trường hay đời sống thì lợi ích thu được hầu như sẽ chẳng có gì cả.
(Theo Tri thức trẻ)