Trong 5 năm gần đây, ngành dệt may liên tục có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, giá trị xuất khẩu đóng góp khoảng 15% vào GDP. Trong 9 tháng đầu 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 22.45 tỷ USD, tăng 16.8% so với cùng kỳ.
Lợi thế của ngành dệt may VN là lao động lành nghề, chi phí nhân công thấp. Ngành cũng thu hút nhiều vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất cho doanh nghiệp và hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại. Khó khăn lớn nhất mà ngành phải đối mặt là phụ thuộc và nguyên vật liệu vải, bông, sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung chỉ có khả năng may gia công, yếu về năng lực thiết kế.
TRIỂN VỌNG NGÀNH: KHẢ QUAN.
Hàng dệt may đang có bối cảnh tăng trưởng tích cực với nhiều yếu tố thuận lợi:
- Hàng may mặc Việt Nam có độ cạnh tranh nhất định khi chi phí nhân công rẻ hơn nhiều nước trong khu vực, thời gian sản xuất ngắn tới trung bình (chỉ kém Trung Quốc, Ấn Độ).
- Chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn căng thẳng khiến nhiều khách hàng lo ngại và chuyển sang đặt hàng từ các doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều có tăng trưởng LNST tốt so với cùng kỳ 2017.
- Trung Quốc cũng siết chặt các chính sách về bảo vệ môi trường và đóng cửa bớt các nhà máy nhuộm, dệt may. Việc này góp phần làm giảm giá NVL đầu vào do nhu cầu sản xuất giảm, tuy nhiên giá thành phẩm lại tăng do sản lượng thành phẩm từ Trung Quốc giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tăng biên lợi nhuận.
- Nhiều các hiệp định thương mại có hiệu lực từ 2018, 2019 hoặc đang trong quá trình đàm phán giúp bỏ rất nhiều các hàng rào thuế quan cho hàng may mặc Việt Nam.
DOANH NGHIỆP NÀO SÁNG GIÁ TRONG NGÀNH DỆT MAY
Xét chung các doanh nghiệp trong ngành,
TCM và STK có biên ròng cao nhất ngành >6.5%, đa phần các doanh nghiệp còn lại có biên ròng >4%. VGG là doanh nghiệp có ROE cao nhất ngành, cũng là doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt nhất với tỷ lệ nợ vay thấp và chỉ số tahnh toán cao nhất.
CTCP DỆT MAY – ĐẦU TƯ – THƯƠNG MẠI THÀNH CÔNG – TCM. QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ: KHẢ QUAN.
TCM là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dệt may VN, nhờ có được chuỗi giá trị “từ sợi tới may”, trong khi đa số cá doanh nghiệp dệt may VN chỉ tập trung sản xuất sợi hoặc thực hiện may gia công. Do vậy TCM có lợi thế sản xuất được các đơn hàng theo phương thức FOB(DN được chủ động chọn NVL đầu vào và thực hiện may) trong khi nhiều doanh nghiệp khác chỉ thực hiện được may gia công.
Trong 2018, HĐKD cốt lõi của TCM sẽ khả quan nhờ:
- Hưởng lợi chung toàn ngành: sự dịch chuyển SX ừu Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ nhờ bối cảnh CTTM Mỹ – Trung và các hiệp định thương mại giúp giảm thuế NK. TCM sẽ có cơ hội tăng sản lượng XK đi Mỹ, EU và nhóm CTPPP.
- Biên LNG tăng nhờ tỷ giá USD/VND tăng và nhờ giảm tỷ trọng mảng sợi kém hiệu quả, chỉ tập trung sản xuất sợi để phục vụ HĐKD giúp tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu sợi.
- Dự án TC Tower vốn đầu tư gần 1000 tỷ đồng (TCM 85%, E-land 15%) hiện đang trong quá trình xin giấy phép và mời thầu. Tuy nhiên dự án hiện vẫn chưa khởi công nên vẫn còn là câu chuyện trong dài hạn.
Tuy nhiên rủi ro đến từ đối tác Sears tại Mỹ phá sản sẽ tác động tiêu cực tới kết quả lợi nhuận của TCM:
- Về doanh thu: Sears chiếm khoảng 7% doanh thu của TCM, tuy nhiên với tình hình đơn hàng tăng trưởng tốt từ các nhóm khách hàng khác, TCM sẽ không gặp khó khăn về đầu ra và hoàn toàn có thể thay bằng đơn hàng từ các doanh nghiệp khác
- Về lợi nhuận: hiện số dư nợ của Sears là khoảng 95 tỷ đồng, nếu phiên tòa xử Sears phá sản thì TCM sẽ phải trích lập dự phòng 100%. Do đó lợi nhuận cũng sẽ bị giảm đi tương ứng 95 tỷ đồng.
Dự báo LNST 2018 (đã tính trích lập dự phòng 100% khoản nợ của Sears) là 200 tỷ, EPS 3,683 tương đương PE forward khoảng 6.9 lần, đây là mức định giá hợp lý đối với triển vọng khả quan của TCM. NĐT cần lưu ý theo dõi các thông tin về việc phá sản của Sears để đánh giá các ảnh hưởng tới LN của TCM.
CTCP SỢI THẾ KỶ – STK. QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ: KHẢ QUAN.
STK là một trong những DN hàng đầu VN về sợi dài polyester, thị phần XK đạt 28% sau Formosa Hưng Nghiệp. Hiện sản phẩm của STK phục vụ cả thị trường trong nước (46%) và xuất khẩu (54%) đi các thị trường Thái, Nhật, Hàn, Trung Quốc.
Trong 2018, dự kiến KQKD của STK sẽ rất khả quan nhờ:
- Tăng tỷ trọng sợi tái chế trong cơ cấu doanh thu: sản phẩm này có giá vốn tương đương nhưng giá bán cao hơn hẳn so với sợi DTY và FDY, giúp biên LNG chung tăng. Ước tính STK sẽ nâng tỷ trọng sản phẩm này lên 14% trong cơ cấu doanh thu 2018.
- Mảng KD cốt lõi là sợ DTY tăng trưởng nhờ tăng giá thành phẩm. Giá sợi DTY đã tăng khoảng 10% kể từ đầu năm và sẽ giữ vững ở mức cao du nhu cầu sợi TG vẫn cao, trong khi Trung Quốc lại đang siết cung ngành dệt may khiến giảm cung SX.
- Tỷ giá USD/VND diễn biến theo xu hướng có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và STK nói riêng.
- STK đã đầu tư mở rộng nhà máy tại Trảng Bàng GDD5 với khả năng sản xuất hạt PET chip (NVL đầu vào chính), dự kiến đi vào hoạt động từ Q1/2019. Khi đó STK có thể tự cung cấp khoảng 30% NVL cho sản xuất sợi, giúp giảm chi phí và tăng biên LN.
- STK có kế hoạch phát triển sản phẩm mới là sợi màu với biên LNG cao (khoảng 12-23%). Hiện công ty đã thành lập một liên doanh sản xuất sợi màu với E.Dye Hong Kong. Dự kiến liên doanh này sẽ đi vào hoạt động từ Q1/2019, và nằm trong diện được giảm thuế TNDN do nhà nước cũng có chính sách phát triển khâu dệt nhuộm để hoàn thiện chuỗi giá trị ngành.
Dự phóng LNST 2018 đạt 141 tỷ, EPS 2,347 đồng/cp, tương đương với PE forward là 8.18 lần. Đây là mức định giá hợp lý với một doanh nghiệp có nhiều triển vọng tăng trưởng như STK.
Nguồn HSC