×
Home / Tin tức - báo cáo phân tích / NGÀNH THỦY SẢN VÀ NHỮNG TRIỂN VỌNG DÀI HẠN

NGÀNH THỦY SẢN VÀ NHỮNG TRIỂN VỌNG DÀI HẠN

Tiếp nối bài nhận định trước đó về triển vọng ngành cũng như định giá và tiềm năng của VHC – 1 trong những doanh nghiệp đầu ngành thủy sản, nay tiếp tục sẽ đến MPCFMC, 2 doanh nghiệp được chúng tôi đánh giá là có tiềm năng để nhà đầu tư có thể cân nhắc.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú – MPC. KHUYẾN NGHỊ: MUA

MPC là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới với 6% thị phần toàn cầu và 18% giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Theo báo cáo, trong 7 tháng đầu năm 2018, MPC đã xuất khẩu 345.8 triệu tấn tôm đi hơn 50 quốc gia, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất do doanh nghiệp có lợi thế không phải chịu thuế chống bán phá giá 4.58% so với các doanh nghiệp Việt Nam khác cùng ngành.

Trong 2018, dự kiến KQKD của MPC khả quan nhờ 4 yếu tố:

  • Giá tôm trong 2H2018 dự báo tăng trở lại khi Ấn Độ và Bangladesh đã qua mùa thu hoạch, đồng thời nguồn cầu sẽ tăng dịp cuối năm. Nhờ đó bên LN dự kiến sẽ giữ vững ở mức cao 13-14%
  • Đối thủ tôm Ấn Độ gặp nhiều khó khăn khi sản lượng sụt giảm do dịch bệnh, đồng thời bị tẩy chay tại thị trường EU. Nhờ đó sản lượng tôm VN có cơ hội gia tăng ở cả thị trường Mỹ và EU
  • MPC tiếp tục có lợi thế về thuế chống phá giá tại Mỹ
  • Diễn biến tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng giúp MPC và các DNXK khác được lợi, ước tính hằng năm đóng góp 40 – 50 tỷ doanh thu tài chính cho MPC

Trong dài hạn, với tham vọng 20 – 25% thị phần thế giới vào 2023 của ban lãnh đạo, MPC đã đầu tư nâng công suất chế biến nhà máy Cà Mau và xây dựng thêm nhà máy Minh Quý, dự kiến hoạt động vào quý 2/2020. Cùng với đó, MPC sẽ áp dụng nuôi tôm công nghệ cao trên diện rộng để tăng tỷ trọng tự chủ nguồn cung lên 3 – 5 vụ/năm và giảm thiểu 10 – 20% chi phí đầu vào, tăng biên lợi nhuận.

Dự báo LNST năm 2018 cho cổ đông công ty mẹ đạt 830 tỷ, EPS (sau quỹ KTPL) là 6,033 đồng/cp, tương đương với PE dự phóng là 8.03 lần. Với vị thế và quy mô đầu ngành cùng tiềm năng tăng trưởng cao trong 2019, MPC xứng đáng với một mức PE cao hơn.

CTCP Thực phẩm Sao Ta – FMC. KHUYẾN NGHỊ: KHẢ QUAN

FMC thuộc top 5 doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhiều nhất cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2018, FMC đã tiêu thụ được 10,539 tấn tôm và đạt giá trị xuất khẩu 121.51 triệu USD (tăng 13.54% so với cùng kỳ).

Nếu so sánh với doanh nghiệp đầu ngành là MPC, FMC vẫn còn nhiều tiềm năng tăng để cải thiện khi hiện nay doanh nghiệp này vẫn chưa đạt được lợi thế về quy mô, đồng thời phải chịu thuế chống bán phá giá 4.58% khiến biên lợi nhuận gộp của FMC thấp hơn hẳn so với MPC.

Trong năm 2018, dự báo KQKD của FMC tăng trưởng chủ yếu nhờ mảng tôm gặp nhiều yếu tố tích cực chung như đối với MPC. Về dài hạn, tiềm năng của doanh nghiệp tới từ các yếu tố sau:

  • Trong 2018, FMC đã đầu tư nâng số lượng ao nuôi lên 200 ao, diện tích tăng thêm 40ha. Đây là yếu tố tích cực giúp FMC tăng tỷ lệ tự chủ đầu vào.
  • Mảng sản phẩm giá trị gia tăng: nhà máy Tin An dự kiến sẽ đóng góp doanh thu đáng kể từ 2019 sau khi qua giai đoạn khởi động trong 2018. FMC dự kiến sẽ sử dụng nhà máy này để chế biến các sản phẩm GTGT cá tuyết và tôm theo đơn đặt hàng.
  • Mảng nông sản: kể từ khi PAN trở thành cổ đông chiến lược, FMC đã nhận được nhiều sự trợ giúp về hệ thống nuôi trồng và chiến lược phát triển các sản phẩm rau củ phân khúc cao cấp và các sản phẩm GTGT có biên lợi nhuận cao. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang có thu nhập tăng và ưa chuộng dần các sản phẩm chế biến sẵn, FMC sẽ có nhiều cơ hội để tăng doanh thu mảng nông sản.

Tuy vậy, FMC có tỷ lệ nợ cao do công ty này cũng phải vay vốn để phát triển vùng nuôi cũng như đầu tư tăng công suất nhà máy. Dòng tiền CFO thường xuyên âm.

Ước tính LNST 2018 đạt 187 tỷ đồng, tương đương với EPS 4,626 đồng/cp, PE dự phóng là 5.8 lần. Đây là mức định giá khá hấp dẫn khi so sánh với trung bình ngành là 8.5 và xét tới tiềm năng của FMC trong tương lai. FMC cũng thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ suất cổ tức hằng năm thường > 15%.

Nguồn HSC

x

Check Also

NĂNG LƯỢNG SẠCH – CHÌA KHÓA CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TƯƠNG LAI

Ngày nay, việc phát triển năng lượng sạch là tất yếu bởi các yếu tố: (1) Môi trường trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bị ...

BÁO CÁO CHIẾN LƯỢC 2020 – ĐỊNH VỊ VÀ CƠ HỘI

2019 qua đi với nhiều cung bậc cảm xúc của NĐT, có những niềm vui, có những tiếc nuối… Tựu chung lại, chúng ta cũng cần nhìn lại, cũng như ...