Thị trường chứng khoán đã từng chứng minh, không phải doanh nghiệp đầu ngành nào niêm yết thì giá cũng tăng vù vù. Nhà đầu tư cần cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi vội vàng đặt lệnh cho phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này.
Petrolimex hiện là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về kinh doanh xăng dầu, chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần trong nước. Chính bởi vậy, khi Petrolimex quyết định niêm yết, rất nhiều nhà đầu tư đã quan tâm theo dõi cơ hội đầu tư cổ phiếu này. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã từng chứng minh, không phải doanh nghiệp đầu ngành nào niêm yết thì giá cũng tăng vù vù. Nhà đầu tư cần cẩn trọng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi vội vàng đặt lệnh cho phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này.
Không thể phủ nhận rằng, Petrolimex đang là một doanh nghiệp đầu ngành xăng dầu và người ta có hàng tỷ lý do để đầu tư cổ phiếu này. Nhưng, đôi khi, nhà đầu tư lao theo đám đông đầu tư cổ phiếu mà quên mất rằng, đôi khi cổ phiếu đầu ngành chưa chắc đã là “ngon” và tranh mua cổ phiếu có thể sẽ khiến nhà đầu tư thua lỗ.
Đừng nghĩ cổ phiếu đầu ngành là “ngon”. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy “có gì đó không đúng” nhưng thực sự là vậy. Đa phần, những nhà đầu tư, tổ chức lớn sẽ chọn mua cổ phiếu đầu ngành và cổ phiếu đầu ngành luôn có cơ hội cao để vào danh mục của họ. Tuy nhiên, cơ hội cao không có nghĩa là chắc chắn. Cơ hội cao đồng nghĩa với việc cổ phiếu đó sẽ được quan tâm đánh giá kỹ lưỡng hơn các cổ phiếu khác. Nhưng, một khi, nhà đầu tư tìm thấy những điểm khiến họ không an tâm về vị trí số 1 của doanh nghiệp vì yếu tố nào đó và nhận thấy rằng ứng viên số 2 lại đang có những bước tiến tốt thì họ có thể làm ngược lại. Đầu tư cho số 2 với kỳ vọng một khi số 2 vượt qua số 1 thì mang lại cho họ lợi nhuận kếch xù.
Vì sao lại là số 2? Câu trả lời là: Vì rất nhiều người nhìn thấy số 1 và để sở hữu được cổ phiếu số 1 thì bạn sẽ phải trả giá cao để có được nó. Nếu trả giá cao cho Số 1 xứng đáng thì là chuyện khác, nói nôm na là “cô gái đẹp” thì có giá. Nhưng, nếu trả giá cao cho số 1 mà số 1 vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro thì cái giá cho sự rủi ro đó sẽ là phần đắt giá mà mình đã phải trả thêm.
Mới gần đây, case study nhà đầu tư không thể quên là trường hợp doanh nghiệp đầu ngành hàng không HVN-VietnamAirlines và VietJet Air lên sàn chứng khoán.
Diễn biến giá dầu thế giới diễn biến khó lường. Đây là điểm “khó tính toán nhất” khi đầu tư cổ phiếu Petrolimex. Nói rõ hơn, kết quả kinh doanh của Petrolimex tốt hay xấu thì yếu tố giá dầu sẽ ảnh hưởng lớn nhất. 70% sản lượng xăng dầu của Petrolimex vẫn phải nhập từ nước ngoài. Do đó, biến động của giá dầu thô thế giới tác động rất lớn đến công ty. Trước đây, trong giai đoạn 2013-2014, giá dầu cao giúp Petrolimex thu về hơn 200 nghìn tỷ doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, khi giá dầu sụt giảm mạnh do dư thừa nguồn cung thì doanh thu Petrolimex cũng giảm sâu, năm 2015 chỉ còn 147 nghìn tỷ đồng và năm 2016 là 123 nghìn tỷ đồng.
Chính sách điều hành tỷ giá ngoại tệ của Nhà nước cũng là một yếu tố tác động lớn đến kết quả kinh doanh của Petrolimex và đây cũng là yếu tố khó tính toán được.
Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận của Petrolimex 2 năm gần đây lại tăng mạnh nhưng năm 2017 điều này có thể sẽ thay đổi. 2 năm gần đây lại tăng mạnh không nhờ nội lực của doanh nghiệp mà nhờ hưởng lợi từ Nghị định 83/2014 của Chính phủ. Nghị định này cho phép các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước như Petrolimex tính giá bán theo sát giá dầu thế giới, hơn là tuân thủ các quy định của Bộ Công Thương như trước đó.
Một điều đáng chú ý trong cách tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu là giá dầu thế giới càng giảm thì biên lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối phân phối càng tăng, bởi lợi nhuận định mức của doanh nghiệp luôn được cố định ở mức 300 đồng/lít, không chịu chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào. Chính vì thế, khi sản lượng tiêu thụ trong nước tăng lên trong khi giá dầu thế giới trong xu hướng giảm, Petrolimex đã lãi lớn 2 năm qua.
Thế nhưng, bước sang năm 2017, điều này có thể sẽ thay đổi. Giá dầu thế giới đang trên đà tăng trở lại. Gần đây, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC mà một số quốc gia trong đó có Nga, đã cam kết cắt giảm nguồn cung trong năm 2017, dự kiến tác động mạnh đến giá dầu năm nay. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng giữa các quốc gia cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể tác động mạnh tới tiêu thụ dầu thô.
Lường trước được điều này, Petrolimex năm nay đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng trở lại 16%, lên 143 nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm 26%, xuống 4.680 tỷ đồng.
Kẻ số 2 đang mạnh lên, đối thủ mới xuất hiện. Có lẽ do tự tin vào vị thế dẫn đầu, Petrolimex cho biết họ không còn quá tập trung phát triển các điểm bán hàng mà các mục tiêu đặt ra cho năm nay xoay quanh việc tái cấu trúc tập đoàn, niêm yết cổ phiếu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi Petrolimex đứng yên, thì một doanh nghiệp cùng ngành khác là PV Oil lại đang tìm kiếm cơ hội, tranh thủ bứt lên. Hiện cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng bán xăng dầu trên toàn quốc; trong đó Petrolimex sở hữu khoảng 2.500 cửa hàng, PV Oil sở hữu 500 cửa hàng, còn lại là của các công ty khác. Như vậy vẫn còn khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu khác để PV Oil có thể tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập. PV Oil muốn nắm 35% thị phần trên thị trường xăng dầu, nâng cao sức cạnh tranh với Petrolimex.
Giá cổ phiếu của Petrolimex đã được đẩy nhanh chóng ở OTC. Từ năm 2016, khi hoạt động săn hàng OTC đang lên cơn sốt, giá cổ phiếu của Petrolimex đã được đẩy nhanh chóng từ mức giá dưới 20.000 đồng lên 35.000 đồng. Sang năm 2017, với việc động thái lên sàn của Petrolimex càng lúc càng gấp rút thì giá cổ phiếu trên OTC cũng tăng mạnh lên trên dưới 40.000 đồng. Giá tham chiếu chào sàn của cổ phiếu này cũng lên đến 43.200 đồng. Nếu một năm đã lãi một gấp đôi thì nhu cầu chốt lãi cổ phiếu là không hề lạ.
Cổ phiếu PLX có thể vẫn được tranh mua trong phiên giao dịch đầu tiên bởi sự tích luỹ giá trị lâu năm trước khi niêm yết và bởi một năm lãi một gấp đôi không quá lạ trên sàn chứng khoán. Nhưng, việc biết thêm thông tin để đưa ra những quyết định đầu tư sáng giá hơn là điều cần thiết.
(Theo Tri thức trẻ)